Thành Quèn Khu_di_tích_Đỗ_Động_Giang

Thành Quèn là trung tâm căn cứ chiếm đóng của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc. Thành Quèn hay trại Quyền thuộc xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội ngày nay. Theo vết tích còn lại, thành hình vuông mỗi cạnh 170m, cao từ 1m50 đến 2m, chân rộng 9,50m, bốn góc thành có 4 u đất, bên ngoài đắp lượn tròn. Ở giữa thành có khu đất cao hình chữ nhật mỗi bề 23m và 20m, được gọi là ruộng cột cờ. Thành nằm sâu bên bờ sông Con, còn gọi là sông Tích, hay sông Đỗ Động, bốn mặt đều có cửa. Dưới chân thành ở độ sâu từ 0,4 – 0,6m có một lớp di vật độ dày tới 1m bao gồm gạch ngói, ngói bản, ngói ống và những mảnh nồi, vò đất nung. Tất cả đều mang đậm nét văn hóa Hán của thời Bắc thuộc. Những di vật này cho biết nơi đây đã từng là một trung tâm quân sự, người xưa đã xây thành đắp lũy ở đây.

Về việc dựng thành, tương truyền một lần Đỗ Cảnh Thạc đi qua trang Lạp Hạ, huyện Ninh Sơn, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây thấy ở phía Tây có một trại nhỏ là trại Quèn, núi vòng phía sau, sông ôm phía trước. Núi sông bao bọc như thế rồng chầu hổ phục, núi không cao mà đất bằng phẳng, nước trong xanh, nguồn mạch dồi dào. Ông liền chọn làm nơi dựng thành. Bốn bề thành là đầm nước, lau sậy um tùm, phải có thuyền độc mộc mới ra vào được.[7]

Khi điền dã ở Cổ Hiền, các nhà nghiên cứu phát hiện tên các địa danh như: Ruộng Đồi Ngục, Cột Cờ, Thung đầu cầu, gò voi, gò ngựa, gò đống thịt, kho lương... giúp hình dung được nơi treo cờ, việc xử lý hình ngục nghiêm minh, cách bố phòng quy củ của vị sứ quân thao lược. Đặc biệt, khi đào móng nhà, người dân còn thấy những dấu vết cổ xưa như vết tích một con kênh đào vát xuống hình chữ V rộng khoảng 8 m nối ra sông như một bến thuyền,lại thấy một cái giếng cổ đá ong trong mát. Dựa trên cơ sở những dấu tích còn lại của thành Quèn như 4 góc tường thành theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc còn lại 4 ụ đất mỗi góc có một miếu thờ các vị võ tướng trấn giữ thành Quèn. Từ dấu tích thành xưa, các nhà khoa học đo đạc và dựng bản đồ hình thế ngôi thành hình vuông mỗi chiều dài 170 m rộng 9,5 m cao gần 2 m. Tường được xây lượn vòng ở 4 góc. Thành không cần đào ngoại hào vì con sông Tích vừa sâu vừa rộng đã là một con hào thiên nhiên hiểm trở bao quanh. Mặt phía Đông không có sông nhưng chính những địa danh Cửa Hang, Nẻ Dong đã cho thấy một khu đầm lầy nối liền với cả hậu phương rộng lớn của sứ quân họ Đỗ kéo dài tới huyện Thanh Oai

Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc là một sứ quân mạnh, có cung thành chắc chắn và hào sâu bao quanh. Theo thần phả Độc nhĩ đại vương ở Thanh Oai,[8] Đỗ Cảnh Thạc là người trí dũng mưu lược, Đinh Bộ Lĩnh phải bàn mưu tính kế mà đánh. Ban đêm, Đinh Bộ Lĩnh cho quân bao vây 4 mặt thành và tiến đánh bất ngờ vào Trại Quyền. Bấy giờ Đỗ Cảnh Thạc đang ở đồn Bảo Đà, quân tướng không ứng cứu được nhau, bị mất cả thành luỹ, đồn trại, lương thực bèn bỏ thành chạy. Hai bên giao tranh hơn một năm sau, Đinh Bộ Lĩnh hạ được thành. Đỗ Cảnh Thạc tháo chạy và bị trúng tên chết ở chân núi Sài Sơn. Đó là năm 967. Năm sau, Đinh Bộ Lĩnh dẹp hết các sứ quân lên làm hoàng đế, tức là vua Đinh Tiên Hoàng. Có ý kiến lại cho rằng Đỗ Cảnh Thạc bị chết trên đường tháo chạy về Trung Quốc tại núi Đồng Lĩnh thuộc Lạng Sơn ngày nay.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Khu_di_tích_Đỗ_Động_Giang http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/su-that-ve-k... http://360.hncity.org/spip.php?article372 http://www.sinhcafe.travel/?sinhcafe=cat&cID=274&C... http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item... http://quocoai.hanoi.gov.vn/di-tich-lich-su-van-ho... http://quocoai.hanoi.gov.vn/di-tich-lich-su-van-ho... http://quocoai.hanoi.gov.vn/van-hoa-xa-hoi/-/news/... http://hodovietnam.vn/index.php?option=com_content... http://quocphongthudo.vn/xem-tin-tuc/van-hoa-xa-ho... http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/truyenthongvaduon...